Du lịch Côn Đảo: Bảo tồn hệ sinh thái, duy trì quần đảo xanh

Thứ hai - 01/08/2022 10:28
Côn Đảo có đầy đủ điều kiện và khả năng để thực hành du lịch xanh nhằm hồi sinh ngành du lịch và thúc đẩy kinh tế phục hồi. 
Du lịch Côn Đảo: Bảo tồn hệ sinh thái, duy trì quần đảo xanh
Các tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo. Ảnh: Hoàng Phước

Du lịch tìm về thiên nhiên

Côn Đảo nổi lên loại hình du lịch xem rùa đẻ trứng đang thu hút đông đảo du khách. Các du khách tới đây sẽ được tận mắt chứng kiến động vật đã được đưa vào Sách đỏ đẻ từng quả trứng. Tại Côn Đảo có tới 14 bãi để rùa đẻ trứng như ở Hòn Tài, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre… Trong đó, Hòn Bảy Cạnh là bãi biển có số lượng rùa lên bờ đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo, có đêm có tới 30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.

Là du khách đến từ Hà Nội và được trải nghiệm thả rùa về biển, chị Ngọc Lan cùng các con tỏ ra thích thú khi đến du lịch Côn Đảo: “Côn Đảo có một hệ động, thực vật, sinh thái biển tự nhiên phong phú, đa dạng và cũng là nơi bảo tồn và cứu hộ rùa biển nhiều nhất của Việt Nam. Sau một năm học dài, tôi muốn đưa các con của mình đến Côn Đảo và tìm hiểu kiến thức về thiên nhiên. Theo tôi, việc giữ gìn cảnh vật hoang sơ, môi trường thiên nhiên là việc vô cùng quan trọng. Môi trường trong lành sẽ tiếp thêm năng lượng tích cực tái tạo sức khỏe cho chúng ta”.

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Hoàng Phước - tình nguyện viên bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo cho biết: “Tôi đã đến Côn Đảo 4 lần và cũng đã đi rất nhiều nơi có biển đảo nổi tiếng kể cả trong nước lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, với tôi,  Côn Đảo vẫn đứng Top 1. Biển ở đây xanh sạch đẹp vô cùng, người dân có ý thức rất cao trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, đó cũng là một trong những lý do thôi thúc tôi đăng ký bằng được chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển”.

Theo anh Phước, khi đến Hòn Bảy Cạnh hay những nơi khác ở đảo lớn, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều biển bảng kêu gọi bảo vệ môi trường mà do chính các tình nguyện viên hay người dân ở đây thực hiện. Việc Vườn Quốc Gia Côn Đảo kết hợp với tổ chức IUCN để thực hiện chương trình bảo tồn rùa biển từ năm 2014 đến nay cũng đã cho thấy được sự quan tâm đặc biệt của hòn đảo xinh đẹp này với công tác bảo tồn rùa biển nói riêng cũng như sự phát triển du lịch xanh nói chung.

Phát triển sản phẩm du lịch xanh

Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định 4 xu hướng chính hiện nay gồm: Du lịch không chạm, du lịch tại chỗ, du lịch chăm sóc sức khỏe, hướng tới những nơi cô lập và ít được biết đến. Do vậy, nơi nào có những tiềm năng và thế mạnh, đáp ứng được 4 xu hướng trên sẽ có cơ hội hồi sinh hoạt động du lịch và phát triển du lịch bền vững. Với những xu hướng trên, Côn Đảo có đầy đủ điều kiện và khả năng để thực hành du lịch xanh nhằm hồi sinh ngành du lịch và thúc đẩy kinh tế phục hồi. Đó là sự kết nối của 4 yếu tố: điểm đến xanh, hành trình xanh, con người xanh và dịch vụ xanh để hình thành sản phẩm du lịch xanh.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Côn Đảo là phát triển du lịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Côn đảo ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, đồng thời phải gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác ở trong và ngoài nước.

Tháng 9.2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản phê duyệt đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Côn Đảo, giai đoạn đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng vào triển khai các dự án du lịch sinh thái tại Côn Đảo. Việc cho thuê  môi trường rừng của Vườn Quốc gia để phát triển du lịch hoàn toàn đúng quy định pháp luật và đảm bảo giữ được môi trường rừng của Côn Đảo.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2045. Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 75,78km2, diện tích mặt biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo khoảng 140,00km2 và vùng biển xung quanh các đảo.

Diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, đảm bảo thống nhất với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và phạm vi bảo tồn biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo. Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.

Quyết định đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế. 


 

Nguồn tin: Báo Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập112
  • Hôm nay24,853
  • Tổng truy cập21,090,602
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây