“Cùng giữ màu xanh của biển”: “Vượt cạn” cùng rùa Côn Đảo

Thứ tư - 13/10/2021 07:25
Côn Đảo đã và đang trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Đến đây ngoài việc tìm hiểu những giá trị lịch sử cách mạng to lớn được lưu giữ trên mảnh đất này, du khách còn có cơ hội tham quan, khám phá những giá trị về đa dạng sinh học.

Trong đó, Hòn Bảy cạnh, một hòn đảo xinh đẹp được mệnh danh là “đảo sinh thái bậc nhất Côn Đảo với rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn thuộc hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo và 882 loài thực vật, gần 150 loài động vật. Đặc biệt, du khách sẽ được đến bãi cát lớn nằm dưới chân ngọn Hải Đăng, 1 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều ở Côn Đảo để… vượt cạn cùng rùa.
Theo ghi nhận của các nhà khoa học, các bãi biển thuộc hòn Bảy Cạnh là nơi có số lượng rùa biển tìm về làm tổ đẻ trứng nhiều nhất tại Việt Nam. Anh Nguyễn Đình Lý - Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh cho biết: “Là những Kiểm lâm công tác trên huyện đảo, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc canh rừng, giữ biển đảo quê hương. Đặc biệt, được làm công tác bảo tồn rùa biển bằng những việc làm ý nghĩa như làm “bà đỡ” cho rùa mẹ, chúng tôi thấy hạnh phúc và luôn cố gắng giới thiệu đến nhiều du khách, lan tỏa ý nghĩa bảo vệ sinh thái, môi trường và bảo tồn loài rùa biển quý hiếm”

r2

Vượt cạn cùng rùa
Khi con nước lên cao, hình ảnh rùa mẹ bắt đầu thấp thoáng trên làn sóng biển gần bờ để tìm nơi đẻ trứng. Đây cũng là lúc nhân viên kiểm lâm thông báo bạn được ra khu vực đẻ trứng của rùa.

t13

Khi xem rùa mẹ đẻ trứng, mọi người tuyệt đối không được dùng đèn pin, đèn điện thoại mà chỉ có thể sử dụng đèn chuyên dụng của các Kiểm lâm viên. Đặc biệt, không đứng trước đầu rùa và không làm ồn.
Trong ánh trăng bàng bạc, du khách sẽ thấy rùa mẹ chậm rãi bò lên bờ. Chúng chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng hai chân trước của mình đào tổ, sau đó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50 - 60 cm, rộng khoảng 20 cm và bắt đầu đẻ trứng. Trong ánh đèn sáng nhẹ, từng quả trứng rùa tròn và trắng như quả bóng bàn rơi xuống tổ. Xong việc, rùa mẹ dùng chân lấp tổ, xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của mình.
Chờ rùa mẹ rời tổ đẻ, nhân viên kiểm lâm sẽ thực hiện một công đoạn trong việc bảo tồn rùa biển đó là lấy trứng đem về tổ ấp. Trứng được ấp trong vòng 6 giờ. Khi đưa về, một nửa số trứng sẽ được cho vào hồ có nhiều ánh sáng, nửa còn lại cho vào hồ ấp được phủ tấm lưới chống nắng bên trên. Việc này chính là để cân bằng “giới tính” cho rùa con khi nở, bởi rùa biển có thể điều chỉnh được đực - cái nhờ tác động của ánh sáng và nhiệt độ khi ấp. Khoảng 45 - 60 ngày sau khi đưa về tổ ấp, trứng sẽ nở.
Trong khi du khách tham quan hồ ấp trứng, có thể sẽ thấy rùa con được ấp từ thời gian trước nở. Bạn sẽ được nhìn thấy từng con rùa đang cố chui ra khỏi vỏ trứng và chen nhau leo lên miệng tổ ấp để bò về phía biển. Nhân viên kiểm lâm sẽ cho rùa con vào giỏ và đưa xuống bờ cát khi con nước cao và mặt trời chưa gay gắt, bởi ánh sáng chiếu vào mắt sẽ làm rùa con lạc đường.
Hàng trăm, hàng ngàn rùa con chập chững tự bò xuống biển trong quãng đường cỡ vài chục mét. Trước khi rùa con hòa mình vào biển vẫn kịp quay đầu lại ghi nhận hình ảnh về nơi chúng sinh ra, để khi trưởng thành (khoảng 30 năm sau), rùa biển sẽ quay lại chính nơi chào đời để đẻ trứng.
Anh Cao Đức Cường - Kiểm lâm viên Ban Quản lý Vườn Quốc Gia Côn Đảo cho biết: “Bảy Cạnh là 1 trong 16 đảo nhỏ thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo với diện tích 693 ha, nằm ở phía đông đảo chính Côn Sơn. Hòn Bảy Cạnh gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Nơi đây là bãi đẻ lớn nhất và có số lượng rùa mẹ lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam. Để làm tốt công tác bảo tồn rùa biển, khâu quan trọng là “đỡ đẻ” cho rùa, có khi chúng tôi thức trắng đêm để trực canh rùa lên bãi, theo dõi, hỗ trợ và di dời trứng về bãi ấp. Một mẹ rùa vượt cạn thành công, quay đầu về với biển là chúng tôi thấy vui và thở phào nhẹ nhõm vậy nên dù thức trắng đêm hay có vất vả thì chúng tôi cũng luôn thấy tự hào vì đã góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn rùa biển. Được giới thiệu cho du khách chúng tôi càng vui hơn; hướng dẫn du khách do đặc tính sinh học của loài rất nhạy cảm với tiếng động, ánh sáng nên tất cả các hoạt động phải diễn ra trong im lặng và nhắc du khách trong lúc rùa đẻ, không được chiếu đèn vào mắt rùa và đứng ngay đầu rùa”.
Lan tỏa những điều ý nghĩa
Do đặc tính, loài rùa thường lên bờ theo thủy triều nên hầu như muốn xem rùa đẻ, du khách phải thức trắng đêm, chính những điều đó giúp du khách hiểu được phần nào nỗi vất vả, cực nhọc của lực lượng chức năng tại đây trong công tác cứu hộ, bảo tồn rùa biển. Rất nhiều du khách sau khi chứng kiến rùa mẹ thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình, chứng kiến lực lượng kiểm lâm giúp rùa sinh nở trọn vẹn cũng đã tự nguyện tham gia di chuyển trứng về hồ ấp, hẹn 60 ngày sau quay lại vào dịp trứng nở để đón những chú rùa con.

t13a

Anh Nguyễn Văn Ngọc - một du khách đến từ TP.HCM cho biết: “Tôi rất thích thú khi được trải nghiệm tour du lịch xem rùa đẻ trứng. Dù phải trải qua bao nhiêu là chặng đường, đến Côn Đảo lại di chuyển ra đảo nhỏ nhưng chuyến đi của tôi thật ý nghĩa và thú vị. Nhất định tôi sẽ quay lại Côn Đảo, trải nghiệm xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển; tuyên truyền đến mọi người về công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái rừng và biển, về công tác bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo”…
Vườn Quốc gia Côn Đảo có khoảng 18 bãi biển có rùa lên đẻ trứng. Trong đó, 5 bãi có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều nhất như hòn Bảy Cạnh, bãi Dương, hòn Cau, hòn Tre Lớn, hòn Tài được bố trí các trạm kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển.
Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 11, có khoảng 400 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trên 1.000 tổ trứng. Chủ yếu là 2 loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu là vích và đồi mồi. Qua thực tế và khảo sát, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế về lĩnh vực sinh vật biển, bảo tồn thiên nhiên cũng đã đánh giá Côn Đảo là nơi bảo vệ và ấp trứng rùa thành công nhất. Hàng năm, số lượng rùa mẹ lên các bãi cát đẻ trứng khoảng 2.000 lượt và đại dương bao la lại được đón nhận thêm từ 120.000 đến 150.000 rùa con.
Tạm biệt hòn Bảy Cạnh cũng là khi mặt trời lên cao báo hiệu bắt đầu một ngày mới nơi đảo xa. Kết thúc chuyến tham quan thú vị với những trải nghiệm đáng nhớ. Chắc chắn, ai đến với Bảy Cạnh cũng sẽ nhớ mãi về một hòn đảo bởi môi trường thiên nhiên nơi đây được gìn giữ gần như nguyên vẹn nhờ sự quy hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn với nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Và đặc biệt hơn, những cảm xúc về trải nghiệm xem rùa mẹ đẻ trứng, được giới thiệu về công tác bảo tồn rùa biển nơi vùng đất Côn Đảo xinh đẹp, thiêng liêng sẽ còn mãi trong lòng mỗi du khách.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay16,093
  • Tổng truy cập21,081,842
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây