Côn Đảo - Ramsar biển đảo đầu tiên và số 1 Việt Nam

Thứ tư - 03/07/2024 16:38
Chúng tôi đến Côn Đảo vào những ngày cuối tháng 4 với biển êm, nắng đẹp. Đây là thời điểm lý tưởng để mỗi du khách có thể thưởng thức toàn bộ “đặc sản” mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho Côn Đảo. Quần đảo này được ví như “lá phổi” xanh giữa trùng khơi bảo vệ đất mẹ, vừa là nơi bảo tồn hàng ngàn sinh vật, động vật.
 

Chúng tôi đến Côn Đảo vào những ngày cuối tháng 4 với biển êm, nắng đẹp. Đây là thời điểm lý tưởng để mỗi du khách có thể thưởng thức toàn bộ “đặc sản” mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho Côn Đảo. Quần đảo này được ví như “lá phổi” xanh giữa trùng khơi bảo vệ đất mẹ, vừa là nơi bảo tồn hàng ngàn sinh vật, động vật.
Ý thức bảo tồn thực vật, động vật ở huyện đảo in sâu vào máu thịt của từng người dân Côn Đảo. Bảo tồn rừng, biển giúp họ có được cuộc sống trọn vẹn hơn ở nơi được mệnh danh thiêng đường nghỉ dưỡng này.

Như đã hẹn, chúng tôi có mặt tại Vườn quốc gia Côn Đảo ngay sau chuyến hải trình dài hơn 4 tiếng đồng hồ, từ thành phố Vũng Tàu đến Vịnh Bến Đầm (huyện Côn Đảo). Điều đầy tiên khi đến đây là chúng tôi phải để chiếc flycam “đạp gió” để truyền những hình ảnh bao quát nhất về Vườn, về toàn Côn Đảo. Nhờ thiết bị không người lái, chúng tôi được phóng tầm mắt bốn hướng, từ trên cao xuống, đâu đâu cũng là rừng bạt ngàn.

Vườn quốc gia Côn Đảo gồm có 14 hòn đảo nằm trọn trong quần đảo Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với 16 đảo lớn nhỏ. Trong số này, đảo lớn nhất là Côn Sơn với địa hình đồi núi, ưu thế bởi các dãy đá granit vòng cung, che chở cho các vùng vịnh của đảo cả về hai phía khỏi những luồng gió mạnh.
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, Vườn có diện tích là 19.990,7ha. Trong đó, 5.990,7ha là hợp phần bảo tồn rừng. Đây là một trong các Vườn quốc gia của Việt Nam vừa thực hiện bảo tồn rừng, vừa thực hiện bảo tồn biển. Chính sự cách ly về địa lý là yếu tố tạo nên sự đa dạng về các hệ sinh thái, phong phú về thành phần loài và tính đặc hữu cao tại Côn Đảo.
Ngày 18/6/2013, Vườn quốc gia Côn Đảo đã được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là một trong 2.203 khu đất ngập nước quan trọng quốc tế. Do đó, Vườn quốc gia Côn Đảo là khu Ramsar thứ 6 và là khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam.

Theo quy định, để được công nhận là khu Ramsar thì Vườn quốc gia Côn Đảo phải đảm bảo được ít nhất 1 trong 9 tiêu chí do công ước Ramsar quy định. Thế nhưng, Vườn quốc gia Côn Đảo “dư sức” để đáp ứng tiêu chí.
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, giai đoạn 2021 đến 2030, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, làm nguồn lực cho việc xây dựng phát triển ngành du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững.
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cũng khẳng định, phát triển kinh tế và du lịch của huyện đảo phải gắn liền với công tác bảo tồn. Tất cả định hướng, kế hoạch tại Côn Đảo được triển khai phải gắn liền với việc bảo tồn rừng, động thực vật.
“Côn Đảo không phá vỡ môi trường và lấy môi trường để phát triển du lịch chất lượng cao. Đề án kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn rất lớn, trong đó đầu tư cho Vườn quốc gia, liên quan đến các đảo nhỏ, bảo tồn các rặng san hô, tạo ra sản phẩm khai thác du lịch”, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo trao đổi.

Có thể nói, thành phần loài khu hệ san hô Côn Đảo phong phú và đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam. Hệ sinh thái thảm cỏ biển có vai trò quan trọng ở Côn Đảo với phân bố rải rác nhiều khu vực nhưng tập trung nhất ở vịnh Đông Nam. Cho đến nay, có 11 loài cỏ biển được ghi nhận ở Côn Đảo.
Hệ sinh thái rừng ngặp mặn cũng được phân bố chủ yếu trong các vịnh Đầm Tre, Đầm Quốc và Đầm The, bãi Bờ Đập, bãi Dương thuộc hòn Bảy Cạnh. Có 46 loài thực vật phân bố tại rừng ngập mặn Côn Đảo trong đó có 28 loài cây rừng ngập mặn chủ yếu thuộc 14 họ và 18 loài tham gia rừng ngập mặn thuộc 13 họ.

Đến nay, Vườn quốc gia Côn Đảo đã xác định được 67 loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm trong hợp phần bảo tồn biển Côn Đảo đang bị đe dọa. Côn Đảo được biết đến là nơi có số lượng rùa mẹ lên bãi làm tổ đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam, đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, khám phá. Hoạt động này mang lại nguồn thu du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch cho người dân huyện đảo.
Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi cư trú quan trọng cho các loài thủy sinh và đường di cư mà nhờ đó các loài thủy sinh có thể sinh sôi nảy nở tại khu đất ngập nước hay ở nơi khác tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể. Vào mùa sinh sản nhiều loài cá sống ở khơi như cá thu, cá nhái vào các rạn San hô, thảm cỏ biển để đẻ trứng. Các loài thân mềm như các loài mực; các loài giáp xác như tôm hùm, ghẹ… cũng vào đẻ ở các rạn san hô xung quanh Côn Đảo.
Chúng tôi được có cơ hội đến nhiều Vườn quốc gia và khu Ramsar ở Việt Nam, nhưng khó nơi nào mà thảm thực vật lại đa dạng như tại Côn Đảo. Chẳng thế, Vườn quốc gia Côn Đảo được Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách các vùng ưu tiên cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn biển toàn cầu.
Trong nhiều ngày tìm hiểu tại Vườn quốc gia Côn Đảo với nhiều cung đường, chuyến đi khác nhau mới thấy rõ, Côn Đảo mang tính đặc trưng tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới, hải đảo thể hiện qua các sinh cảnh rừng là rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng nửa rụng lá, rừng tre và rừng ngập mặn ven biển.

 

Chính sự phong phú của các sinh cảnh rừng tại đây là điều kiện thuận lợi để các loài động vật rừng, động vật hoang dã cư trú, sinh sống và phát triển. Chính nó có giá trị, ý nghĩa về bảo tồn cảnh quan tự nhiên, bảo tồn rừng và các loài động vật hoang dã đang sinh sống trong các khu rừng và góp phần cho việc phát triển du lịch sinh thái, phát huy các giá trị đa dụng của rừng Côn Đảo.
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế cho biết, đến nay, Côn Đảo đã ghi nhận 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao. Nghiên cứu về động vật có xương sống trên cạn đã ghi nhận tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 155 loài thuộc 64 họ, 26 bộ gồm 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái.
Biển Côn Đảo có 3 hệ sinh thái chính: hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích là 18ha, hệ sinh thái cỏ biển có diện tích khoảng 200ha, hệ sinh thái các sạn san hô có diện tích khoảng 1.000ha.
“Khu hệ sinh vật biển đã thống kê được có 1.493 loài, trong đó thực vật ngập mặn 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 11 loài, thực vật phù du 157 loài, động vật phù du 115 loài, san hô 342 loài, cá rạn san hô 202 loài, giáp xác 116 loài… Trong số này cũng có 44 loài là nguồn gien cực kỳ quý hiếm của biển Việt Nam và đã được đưa vào Sách đỏ”, ông Sơn cho hay.

 

Từ lâu nay, Côn Đảo được biết đến như “vương quốc” của nhiều loài chim giữa biển khơi. Không chỉ có những loài chim đặc hữu, Côn Đảo có những loài chim đẹp đến ngỡ ngàng hoặc nghe đến tên thôi là gợi cho ta muôn điều suy nghĩ, muốn tìm tòi, khám phá để hiểu thêm.
Đó là loài Chim Điên Bụng Trắng (tên khoa học là Sula leucogaster). Tôi hỏi anh Nguyễn Phùng Hoàng (Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo): “Chim Điên Bụng Trắng có bị điên như lời đồn?”. Lập tức, các anh kiểm lâm trong đoàn phì cười. Tôi không phải là người đầu tiên đặt câu hỏi này. Ngược lại, nó là câu được hỏi khá nhiều. Nhưng lần nào cũng khiến các kiểm lâm viên phì cười như vậy.
Anh Hoàng lý giải: “Không biết ai là người đặt cái tên hết sức dễ thương như vậy cho loài chim này, chứ thật ra loài chim này không hề bị điên như cái tên của nó. Có thể nó xuất phát từ tiếng Pháp - fou là kẻ điên. Nhưng cũng phải nói, chúng có nhiều hành động khó hiểu như phun nước miếng vào loài chim khác hay con người. Chúng cũng có thói quen đậu trên mạn tàu thuyền và rất dễ bị bắt để ăn thịt”. Chúng khá hiền lành khi ở trên bờ nhưng lại là 1 sát thủ thực sự khi săn mồi, chúng lao mình xuống mặt nước với tốc độ nhanh và truy kích con mồi dưới nước.

Tại Việt Nam, khi vào mùa sinh sản, Chim Điên Bụng Trắng tập trung về Hòn Trứng - Côn Đảo để đẻ trứng. Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng chúng bay lượn quanh Hòn Trứng với đôi cánh rộng và thân hình to lớn giữa hàng ngàn chú chim khác.
Để ngắm nhìn và tìm hiểu về các loài chim của Vườn quốc gia Côn Đảo, phải đặt chân đến Hòn Trứng. Đây được mệnh danh là một sân chim giữa biển lớn nhất Đông Nam Á và được bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi quy tụ của hơn 80 loài chim khác nhau, với hơn 5.000 cá thể chim sinh sống và làm tổ đẻ trứng.
Sau nhiều lần xin phép, chúng tôi mới có thể tới Hòn Trứng để được chim ngưỡng “quốc đảo chim”. Ngoài lực lượng chuyên môn, hầu như không người dân nào được phép tiếp cận sân chim này để tránh ảnh hưởng đến tâm lý chim và công tác bảo tồn. Nhìn từ xa, “đảo chim” này trông giống như một quả trứng khổng lồ giữa biển khơi, cộng thêm việc được phân chim phủ lâu ngày tạo nên một màu trắng xóa.
Xa xa, dường như cảm nhận sự xuất hiện của chúng tôi nên đàn chim với hàng ngàn con bay lượn, kêu, hót… vang trời, tựa như bức tranh sống động với nhiều âm sắc của bản hòa tấu.
“Đảo chim” Hòn Trứng không có người sinh sống nên vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, công tác bảo tồn vì thế cũng được nguyên vẹn hơn. Từng đôi nhạn bay lượn, rượt đuổi nhau tíu tít trên mặt nước, kéo về đây làm tổ. Chúng cũng là loài nhiều nhất ở Hòn Trứng. Chính vì sự ồn ã, đanh đá và số lượng áp đảo này của mình khiến loài chim này xưng bá ở đảo.

Đang mải mê, anh Nguyễn Tiến Văn Phái (Phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, Vườn quốc gia Côn Đảo) vỗ nhẹ vai tôi, chỉ tay về một loài chim nhỏ nhắn, trắng sữa đang sải cánh. Đó là loài chim Gầm Ghì Trắng. Vẻ đẹp dịu dàng đến mức nhu mì. Nó được đặt cái tên như vậy bởi lông màu trắng kem rất đặc trưng chiếm đa phần cơ thể và chỉ gầm ghì như thì thầm giữa muôn vàn âm thanh của đảo chim và đại dương.
Gầm Ghì Trắng (tên khoa học: Ducula bicolor) thuộc họ Columbidae và là một trong những loài chim quý hiếm và đẹp độc đáo tại Việt Nam. Nó thường tìm thấy chủ yếu tại Hòn Tre nhỏ, Hòn Tài và các đảo còn lại của quần đảo Côn Đảo.
Với môi trường thiên nhiên đa dạng và không gian tự nhiên ít bị ảnh hưởng của con người, Côn Đảo đã trở thành một nơi lý tưởng cho Gầm Ghì Trắng sinh sống. Tại đây, chúng tìm kiếm thức ăn trong rừng nguyên sinh và sống trong môi trường rừng nhiệt đới đa dạng, nơi cung cấp đủ nguồn thức ăn và nơi ẩn náu an toàn.
Chúng tôi không được phép ở lại lâu trên Hòn Trứng để tránh ảnh hưởng đến đàn chim biển. Nuối tiếc nhưng chúng tôi buộc phải chấp hành. Chính những quy định này khiến các loài chim nơi đây được bảo tồn, sinh trưởng tốt qua bao năm nay.
Nhiều loài chim trong số này được xem là hiếm và đang đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa. Môi trường sống của các loài chim bị ảnh hưởng bởi sự đô thị hóa, khai thác đá và các hoạt động ngư nghiệp.
Ngồi trên cano, tôi nuối tiếc mãi về một xã hội chim thật đặc biệt ở nơi đảo xa này. Anh Phái chuyển hướng tôi sang một loài chim khác đầy mê hoặc. Đó là loài chim được coi là “báu vật” khi đến Côn Đảo. Tôi hỏi: “Có phải bồ câu Nicobar?”. Anh này bất ngờ hỏi lại tôi vì sao biết. Tôi chỉ cười và mừng thần vì sắp được gặp “hoa hậu” trong giới chim tại Côn Đảo.
Bồ câu Nicobar là loài chim được tìm thấy tại các hòn đảo nhỏ và những bờ biển tại quần đảo Nicobar, quần đảo Mã Lai, Solomon và Palau. Đây là loài cũng được ghi nhận xuất hiện tại Côn Đảo vào cuối năm 2022 và duy nhất tại Việt Nam.

Đến cuối tháng 7/2023, "cơn sốt" săn ảnh chú bồ câu Nicobar tại Côn Đảo cũng được khởi xướng. Lần đầu tiên, những hình ảnh sắc nét về chú chim bồ câu Nicobar đẹp lạ thường được trình làng. Đây cũng là điều thôi thúc chúng tôi phải đến Côn Đảo và chiêm ngưỡng về chú chim này.
Về Côn Đảo mà không vượt biển, băng rừng để được trực tiếp chiêm ngưỡng loài chim này thì hơi uổng. Trước tôi, nhiều người cũng đã xin được "săn ảnh" chú chim này. Tất nhiên, có người thành công và nhiều người cũng ra về tay trắng. Nhưng thôi kệ, phải thử sức xem sao. Tôi cố gắng thuyết phục Ban quản lý Vườn và cũng được đồng ý.
Theo kinh nghiệm của nhiều nhiếp ảnh gia và lực lượng kiểm lâm, khu vực dễ bắt gặp bồ câu Nicobar nhất là ở đảo Hòn Tre lớn.
Băng rừng khoảng chừng 30 phút, anh Phái nói với chúng tôi nên "phục kích" ở một địa điểm mà dễ bắt gặp bồ câu Nicobar nhất. Ngồi đợi thêm tầm gần 45 phút, vừa đói, chúng tôi còn bị muỗi rừng đến “chào đón”. Tôi đang buồn ngủ sau chuyến băng rừng thì anh Phái vỗ nhẹ vai, "bồ câu Nicobar kìa anh". Tôi bừng tỉnh, nhìn theo hướng chỉ của Phái. Bồ câu Nicobar đậu cách đó hơn 50m, khuất sau những tán lá. Không có hạnh phúc nào lớn hơn, chúng tôi lập tức bị chúng mê hoặc.
Vừa định chụp tấm đầu tiên thì chúng bay mất, mặc kệ chúng tôi ngẩn ngơ, tiếc nuối. Thế nhưng, đó cũng là quá đủ với những kẻ lữ khách, ái mộ chúng.
Vườn quốc gia Côn Đảo hiện đang tăng cường bảo vệ, theo dõi nghiên cứu và tuyên truyền để người dân cùng bảo vệ loài chim quý hiếm và xinh đẹp này bằng các thiết bị dụng cụ công nghệ như: máy bẫy ảnh, flycam, camera quan sát và tăng cường tuần tra, kiểm tra của kiểm lâm.

Côn Đảo đang bước vào cao điểm mùa rùa đẻ trứng và thả rùa con về biển. Đây cũng là hoạt động bảo tồn thu hút nhiều khách du lịch nhất trong năm. Thức đêm để chờ ngắm rùa lên bờ đẻ trứng và thả rùa con về biển sẽ là trải nghiệm thú vị không quên của nhiều người.
Từ năm 1987, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã bắt đầu thực hiện hoạt động bảo tồn rùa biển, với nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, các biện pháp như xâm nhập, quấy rối rùa mẹ và khai thác trứng rùa được lực lượng kiểm lâm thực hiện quyết liệt. Thay vào đó, Vườn quốc gia Côn Đảo đã di dời trứng rùa vào hồ ấp, cứu hộ rùa con và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái.
Vườn quốc gia Côn Đảo được đánh giá là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển của Việt Nam và được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất. Vườn quốc gia Côn Đảo là thành viên thứ 11 trong Mạng lưới hệ thống các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (IOSEA).
Tỉ lệ sống của rùa con chỉ khoảng 1/1.000, do đó rùa biển được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới để bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng. Đối với bảo tồn rùa biển, Vườn quốc gia Côn Đảo nhiều năm nay đã triển khai chương trình gắn thẻ, giám sát rùa trong mùa sinh sản và chương trình di dời, ấp trứng rùa...

Theo ông Nguyễn Thái Hậu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Côn Đảo, vùng biển Côn Đảo là sinh cảnh đẻ trứng của 2 loài rùa biển có nguy có tuyệt chủng trên toàn cầu là Rùa xanh (Chelonia mydas) và Đồi mồi (Eretmochelys imbricata). Hằng năm, từ tháng tháng 4 đến tháng 11, có khoảng 350 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trên 1.000 tổ trứng. Số lượng rùa con được thả về biển trên 100.000 cá thể mỗi năm.
“Từ năm 1993 - 2022, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ghi nhận được 12.654 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng với gần 37.000 tổ rùa được di dời về hồ ấp trứng. Tổng lượng trứng là hơn 3,2 triệu trứng, ấp nở và thả về biển hơn 2,4 triệu cá thể rùa con. Số lượng rùa biển đến làm tổ và sinh sản lớn nhất trong cả nước với khoảng 700 con/năm”, ông Hậu thông tin.
Côn Đảo không chỉ là “bãi đẻ” của các cá thể rùa trong khu vực biển Đông, gần bờ mà thu hút cả những “sản phụ rùa” từ nước ngoài. Mới đây, một cá thể rùa xanh từ Malaysia đã vượt hàng ngàn hải lý đến Vườn Quốc gia Côn Đảo đẻ 108 quả trứng. Con rùa xanh này nặng 90 - 100kg, khoảng 40 năm tuổi. Đến ngày 9/6, số rùa con được ấp nở thành công và được lực lượng kiểm lâm, khách du lịch thả về đại dương.
Trước đó, Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng đã phát hiện nhiều rùa mẹ có đeo thẻ nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đến đây để đẻ trứng.
Hiện, Côn Đảo có 16 bãi rùa đẻ trứng như: Bảy Cạnh, Bến Đầm, Hòn Tài, Hòn Tre Lớn, Hòn Cau và Bãi Dương. Trong đó, Hòn Bảy Cạnh được các các “mẹ rùa” ưu tiên chọn lựa, với 70% rùa biển đến đây đẻ trứng. Từ tháng 4-11 hằng năm là mùa sinh sản của rùa biển nhưng cao điểm rùa về đẻ trứng từ tháng 5-9.
“Thời điểm này, có trên 600 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng với trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt 87%. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh, hòn Tre lớn ghi nhận 20 rùa mẹ lên làm tổ mỗi đêm”, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Côn Đảo cho biết thêm.

Vườn quốc gia Côn Đảo còn đóng vai trò hỗ trợ cho Bò biển (Dugong dugon, thuộc họ Dugongidae) là loài thú biển có tên trong sách đỏ của Việt Nam, sách đỏ IUCN và Công ước CITES, có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.
Côn Đảo là một trong 2 khu vực có Bò biển xuất hiện, kiếm ăn tại Việt Nam. Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế cho biết, vùng biển Côn Đảo có khoảng 10 - 12 cá thể Dugong. Bò biển thường kiếm ăn tại các thảm cỏ biển ở vịnh Côn Sơn, mũi Tàu Bể - Đất Dốc.
Bò biển là động vật có vú, ăn cỏ biển. Mỗi con có chiều dài khoảng 4m và nặng đến 300kg, có thể thọ đến 70 tuổi.
Công tác bảo tồn loài Bò biển tại Côn Đảo cũng được thực hiện nghiêm ngặt và đặt lên hàng đầu. Nếu như rùa biển có thể dễ dàng được chiêm ngưỡng thì Bò biển sẽ ngược lại, rất khó để bắt gặp chúng tại Côn Đảo. Thậm chí, anh Nguyễn Văn Vững với khoảng 20 năm kinh nghiệm công tác tại Vườn, thời gian lặn biển có khi còn nhiều hơn trên bờ cũng rất ít khi gặp Bò biển.
Hồi tháng 9/2019, một số ngư dân địa phương thường xuyên phát hiện thấy Dugong xuất hiện tại khu vực Bãi Nhát, Vịnh Bến Đầm với số lượng 1 - 2 cá thể. Đặc biệt có lần xuất hiện 1 đàn khoảng 5 - 6 cá thể (con nhỏ nhất khoảng 20kg; con lớn nhất khoảng 200kg).
“Ở vùng biển Côn Đảo còn khoảng 12 cá thể Bò biển xuất hiện và kiếm ăn tại các thảm cỏ biển ở vịnh Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh, Bãi Nhát, cảng Bến Đầm, Đầm Trầu, mũi Cá Mập. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện của chúng những năm gần đây rất thấp”, ông Vững cho hay.
Vào tháng 6 và 9 là thời điểm dễ bắt gặp Bò biển đi kiếm ăn. Chúng hoạt động nhiều vào thời điểm cao triều.
Nhiều năm nay, để nâng cao công tác bảo tồn và quản lý bền vững đàn Bò biển, Vườn quốc gia Côn Đảo đã đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường sống như: kiểm soát câu cá giải trí, giảm thiểu hoạt động của tàu thuyền và trồng phục hồi nguyên vị và chuyển vị các loài cỏ biển ở Côn Đảo. Đồng thời, Vườn cũng thành lập trung tâm cứu hộ Bò biển và sử dụng công cụ truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này.

Đầu tháng 6, một kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm Côn Đảo báo tin cho chúng tôi: “San hô đang bị chết, tẩy trắng khắp Côn Đảo rồi em”. Chưa kịp hỏi gì, anh vội tắt máy. Lát sau, anh này gửi cho tôi nhiều đoạn video và hình ảnh về những rặng san hô bị tẩy trắng hàng loạt. Trắng xóa! Thật xót xa.
Tôi liền gọi cho anh Vững, anh Thành thuộc Ban quản lý Vườn để hỏi thêm thông tin về tình cảnh của các rặng san hô. Nguyên nhân được xác định là do đợt El Nino trong tháng 4 - 5 vừa qua làm nước biển tầng đáy nóng lên.
Các giống san hô phổ biến như Acropora, Porites, Montipora, Pachyseris, Pavona, Echinopora, Echinophyllia, Pectinia, Fungia, Ctenactis đều bị tẩy trắng. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát ghi nhận có sự hiện diện của sao biển gai tại khu vực biển Hòn Cau, Hòn Tài, Ông Cường. Đồng thời còn phát hiện một số Trai tai tượng cũng bị mất màu tự nhiên do tác động bởi nhiệt độ nước biển cao trong những ngày vừa qua.
“Bình thường, nhiệt độ sống lý tưởng của san hô dao động từ 24 - 30 độ C. Tuy nhiên, trong đợt nắng nóng cao điểm vừa qua, nhiệt độ nước tầng đáy của vùng biển Côn Đảo lên đến 32 độ C. Nhiệt độ này duy trì trong thời gian dài khiến san hô bị tẩy trắng như trên”, anh Nguyễn Văn Vững cho hay.

Tại vùng biển Việt Nam nói chung và vùng biển Côn Đảo nói riêng hiện tượng tẩy trắng san hô đã được ghi nhận vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2010, 2016, 2019. Chứng tỏ vùng biển khu vực phía nam Việt Nam trong 20 năm trở lại đây hiện tượng san hô tẩy trắng xảy ra thường xuyên và tần suất nhiều hơn.
Hiện, tại trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đang trưng bày mẫu vật hai cá thể Bò biển đã chết phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường. Một trong số đó là cá thể được ghi nhận đã chết hồi tháng 9/2020 tại vịnh Côn Sơn. Con Bò biển bị chết thuộc giống cái có trọng lượng khoảng 120kg, chiều dài 195cm, vòng bụng 130cm.
“Với việc trưng bày mẫu vật hai cá thể Bò biển này, chúng tôi hy vọng sẽ tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài thú quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng này. Về phần mình, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cũng có nhiều nỗ lực để bảo vệ, nghiên cứu xác định vùng phân bố của cỏ biển và Bò biển”, ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, cho hay.
Ở Việt Nam, Vườn quốc gia Côn Đảo được đánh giá là một trong những đơn vị duy trì được bảo tồn đa dạng sinh học thuộc tốp hiệu quả nhất. Thành công là vậy nhưng ít ai biết, lực lượng chuyên môn ở đây luôn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn.

Bảo tồn rùa biển được thực hiện rất hiệu quả tại Côn Đảo với trên 100.000 rùa con được thả về biển mỗi năm. Thế nhưng, tại Côn Đảo, rùa biển cũng gặp rất nhiều mối đe dọa từ thiên nhiên và con người.
Số liệu thống kê từ ngày 1/1/2020 - 20/5/2020, có 18 cá thể rùa biển bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có 4 cá thể bị giết để lấy thấy thịt, trứng nhưng không phát hiện được người vi phạm để xử lý. 3 cá thể bị chết do mắc lưới và va đập vào ca nô và 11 cá thể chết không xác định được nguyên nhân.
Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với các cơ quan chức năng truy tố trách nhiệm hình sự nhiều vụ vi phạm liên quan đến việc săn bắt, vận chuyển, mua bán trứng rùa, thịt rùa trái phép. Các cá nhân vi phạm đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên vì hám lợi, nhiều đối tượng vẫn bất chấp, tiếp tục phạm pháp. Mới đây, tòa án huyện Côn Đảo đã tuyên án 4 đối tượng về việc mua bán trứng rùa biển, với tổng hình phạt là 24 tháng tù và hơn 1 tỷ đồng.

Những năm gần đây, rác thải đại dương mà nguyên nhân từ các hoạt động đánh bắt thủy sản, lưới và dụng cụ đánh bắt hỏng bị vứt đi hoặc rơi xuống biển làm rùa biển bị mắc lưới dẫn đến chết, đồng thời cũng làm ô nhiễm bãi đẻ của rùa biển. Các rặng san hô cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của những tác động này.
Đây cũng là vấn đề nhức nhối mà ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo kiến nghị các ngành, cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, tác động đến hoạt động phát triển du lịch của Côn Đảo mà động thực vật tại đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mới đây, một con vích mắc rác thải đại dương là lưới đánh cá đã được du khách người nước ngoài giải cứu thành công. Nếu không được phát hiện kịp thời, rất có thể cá thể này sẽ bị mắc kẹt đến chết, giống như nhiều cá thể xấu số khác được ghi nhận trước đây.
Công tác bảo tồn không chỉ của riêng đơn vị, địa phương nào mà cần sự vào cuộc, quyết tâm cùng tất cả cộng đồng. Vườn quốc gia Côn Đảo mãi xanh chỉ khi ý thức của từng người dân về công tác bảo tồn thật sự hiệu quả và coi đó là món quà vô giá cho thế hệ con cháu mai sau.

Tác giả bài: Nguyễn Thanh Thanh

Nguồn tin: Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo:

 Tags: , , , , , , , , , , ,

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tin xem nhiều
SỔ TAY GIẢM NHỰA DU LỊCH CÔN ĐẢO
Cuốn sổ tay hướng dẫn giảm nhựa với thông tin liên quan về vật liệu nhựa, về vai trò của chúng trong đời sống và làm sao để sử dụng các sản phẩm từ nhựa một cách bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập214
  • Hôm nay22,495
  • Tổng truy cập21,088,244
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây